Nhà máy điện LNG Long An I & II có diện tích khoảng khoảng 902 hecta, vốn đầu tư ước tính 3 tỉ USD, dự kiến vận hành vào tháng 12/2025, công suất dự kiến 3.000 MW...
Sáng ngày 21/3, đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính Trị - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã có chuyến thăm Cảng Quốc tế Long An và khảo sát vị trí xây dựng Nhà máy điện LNG Long An I & II tại Khu Dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á – thuộc Dự án Cảng Quốc tế Long An (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường, Nhà máy điện LNG Long An I & II có diện tích khoảng 90 hecta, đặt trong Khu Dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á rộng 239 hecta thuộc Dự án Cảng Quốc tế Long An chuẩn bị khởi công xây dựng. Vốn đầu tư Nhà máy ước tính 3 tỉ USD, dự kiến bắt đầu vận hành vào tháng 12/2025, công suất dự kiến 3.000 MW, bao gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW, do công ty VinaCapital GS Energy Pte. Ltd. là chủ đầu tư.
Tại buổi khảo sát, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà đầu tư, địa phương và các bộ ngành liên quan để thúc đẩy quá trình triển khai xây dựng Nhà máy điện LNG Long An I & II đúng tiến độ yêu cầu.
Cảng Quốc tế Long An do Đồng Tâm Group làm chủ đầu tư, có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 – 70.000 DWT, tổng chiều dài cầu cảng là 1.670m, đang trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác. Bên cạnh Khu Dịch vụ Công nghiệp 239 hecta là Khu Công nghiệp 396 hecta, cũng nằm trong Khu liên hợp Dịch vụ Cảng biển cùng các tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu trọn gói cho các doanh nghiệp đến đầu tư.
Cảng Quốc tế Long An có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 – 70.000 DWT, tổng chiều dài cầu cảng là 1.670m.
Chủ đầu tư đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý xin mở rộng quy mô cầu cảng số 8 và 9 có công suất thiết kế đón tàu trọng tải lên đến 100,000 DWT. Khi đó, tổng chiều dài liên tục của bờ cảng lên đến 2,368m. Quy mô công suất hàng hóa thông quan đạt hơn 80 triệu tấn/năm.
Nếu luồng sông Soài Rạp được nạo vét, duy tu thường xuyên, cảng Quốc tế Long An có thể nâng cao khả năng tiếp đón các tàu Quốc tế trọng tải lớn. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có kế hoạch xây dựng cầu cảng chuyên dụng, phục vụ khai thác hàng lỏng của các tàu chuyên chở hàng lỏng, dầu/khí hóa lỏng.
Tất cả các hạng mục đang được khẩn trương triển khai xây dựng đúng theo tiến độ, hoàn thành vào năm 2023, theo định hướng phát triển Cảng Quốc tế Long An thành cảng biển đa năng, giàu tiềm lực.
Trong ngày 21/3/2021, UBND tỉnh Long An cũng đã trao Quyết định Chủ trương đầu tư và cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy Điện LNG Long An I&II cho Công ty VinaCapital GS Energy Pte. Ltd. thực hiện đầu tư tại Khu Dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á thuộc Dự án Cảng Quốc tế Long An.
Trong năm 2020, Cảng Quốc tế Long An đã ký kết hợp tác chiến lược với các Cảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tạo điều kiện xúc tiến phát triển mạng lưới vận chuyển hàng hóa đa phương thức, đó cũng là tiền đề để Cảng quốc tế Long An trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ đi các khu vực và quốc tế, góp phần giảm giá thành hàng hóa của các doanh nghiệp trong vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong 2 tháng đầu năm 2021, lượng hàng hoá xuất nhập thông qua Cảng Quốc tế Long An đạt gần 200.000 tấn. Bên cạnh đó, Cảng Quốc tế Long An đã ký kết hợp tác với các dự án điện gió, chính thức trở thành một trung tâm lắp dựng điện gió chiến lược cho khu vực phía Nam.
Việc đầu tư xây dựng và khai thác Nhà máy điện LNG Long An I & II tại dự án Cảng Quốc tế Long An chính là bước ngoặt quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vùng ĐBSCL .
Phước Sửu
Theo Vneconomy