Để có thời gian thẩm định chứng cứ mới, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định tạm dừng phiên tòa và cho biết sẽ tuyên án vào ngày 18/5/2020.
Sáng ngày 11/5, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có liên quan đến nam ca sĩ Lam Trường. Tuy nhiên, phiên tòa phải tạm dừng để HĐXX có thời gian thẩm định các chứng cứ mới. Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào ngày 18-5.
Con kiên cha mẹ
Theo hồ sơ, năm 2000, vợ chồng bà Nguyễn Thị Tân cùng các thành viên khác trong gia đình (trong đó có con của hai ông là là Tiêu Sinh, Tiêu Lộc, Tiêu Lam Trường – tức ca sĩ Lam Trường) cùng góp tiền để mua một miếng đất có diện tích hơn 3,902m2 tại Quận 9 (TP.HCM).
Cả gia đình thống nhất để bà Tân làm đại diện đứng tên giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ), được UBND Quận 9 cấp vào năm 2000 (Sổ đỏ ghi cấp cho hộ bà Nguyễn Thị Tân).
Ngày 7-5-2015, vợ chồng bà Tân đã lập hợp đồng ủy quyền cho một người con là ông Lộc được thay hai ông bà quản lý, sử dụng và định đoạt phân quyền sử dụng đất, nằm trong tổng diện tích đất của cả hộ gia đình.
Ngày 10-3-2017, UBND quận 9 đã cập nhật thay đổi tên chủ sở hữu trên sổ đỏ từ hộ bà Nguyễn Thị Tân sang tên cá nhân ông Diệu và bà Tân.
Ngày 14-4-2017, ông Lộc đã sử dụng hợp đồng ủy quyền (ngày 7-5-2015) để chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất trên cho bà NTT.T với giá hơn 27 tỷ đồng.
Từ đó, người con khác là ông Tiêu Sinh đã khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng do văn phòng công chứng lập giữa vợ chồng bà Tân (do ông Lộc làm đại diện) và bà T.
Tại phiên tòa, ông Tiêu Sinh và các thành viên trong gia đình cho rằng việc ký hợp đồng chuyển nhượng của ông Lộc để bán đất là vượt quá thẩm quyền đại diện trong giấy ủy quyền. Ngoài ra, việc mua bán không thông qua những thành viên khác trong hộ gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi của các thành viên.
Lý lẽ các bên tại tòa
Phía bên bị đơn là vợ chồng bà Tân cũng đồng ý với quan điểm của ông Sinh. Đồng thời, ông Diệu (chồng bà Tân, có mặt tại phiên tòa) cho rằng vợ chồng ông không nhận một đồng nào từ số tiền 27 tỷ đồng của ông Lộc.
Phía bị đơn còn tố cáo ông Lộc và bà T. cấu kết với nhau mới có thể chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân và không có nội dung nào trong hợp đồng ủy quyền cho phép ông Lộc đăng ký biến động sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân và sau đó dùng thủ đoạn ủy quyền để chiếm đoạt mảnh đất.
Đồng quan điểm, nam ca sĩ Lam Trường (người được xác định là có quyền, nghĩa vụ liên qua) cho rằng nguồn gốc mảnh đất trên là do các thành viên cùng nhau đóng góp tiền để mua trồng cây (có giấy tờ, cam kết).
Số tiền mà ông Lộc bán đất do mình ông giữ, không ai được nhận khoản nảo (kể cả ba mẹ anh). Từ đó, nam ca sĩ đề nghị HĐXX xem xét, tuyên bố vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng của ông Lộc và bác yêu cầu độc lập của bà T.
Tại tòa, người mua đất là bà T. (người liên quan và có yêu cầu độc lập) cho biết mảnh đất nhà ông Lộc có đầy đủ pháp lý, không có tranh chấp nên mới mua. Bà T. thừa nhận ký hợp đồng đặt cọc với ông Lộc, bà biết rõ là đất này của hộ gia đình. Tuy nhiên, ông Lộc cam kết với bà sẽ chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân thì việc mua bán mới hoàn thành.
Sự thật là sổ đỏ mang tên cá nhân của vợ chồng bà Tân chứ không đứng tên hộ Nguyễn Thị Tân nên bà T. đã giao đủ số tiền hơn 27 tỷ đồng để thanh toán cho việc mua đất.
Đại diện phía ông Lộc cho rằng hợp đồng ủy quyền cho phép ông Lộc được quản lý, sử dụng, cập nhật biến động và định đoạt toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc phần sử dụng của vợ chồng bà Tân trong phần quyền sử dụng đất của họ bà Tân.
Ngoài ra, số tiền từ việc mua bán đất đã được ông Lộc đưa cho vợ chồng bà Tân nhưng do là người thân nên không làm biên bản giao thuận. Người này thừa nhận không có chứng cứ về việc giao nhận số tiền 27 tỷ đồng (vợ chồng bà Tân nói không nhận được một đồng nào từ Lộc). Do vậy, phía ông Lộc không đồng ý tuyên hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Lộc và bà T. vô hiệu bởi không vi phạm pháp luật.
Phí ông Lộc cho rằng, tại thời điểm cấp sổ đỏ thì UBND quận 9 cấp cho hộ gia đình là chưa đúng thực tế của việc chuyển nhượng. Do phát hiện sai sót, UBND quận 9 đã đính chính tên chủ sử dụng đất thành của cá nhân. Việc cập nhật, đính chính này là việc làm thông thường của cơ quan nhà nước khi phát hiện sai sót, không cần có ý kiến của những người khác.
Tòa sơ thẩm quyết định sao?
Xử sơ thẩm vào tháng 11-2019, Viện Kiểm sát cho rằng TAND Quận 9 đã vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thì đủ cơ sở để chấp nhận yêu cầu độc lập của bà T. và công nhân hợp đồng chuyển nhượng sổ đỏ là hợp pháp. Cụ thể, theo TAND Quận 9, hợp đồng ủy quyền giữa vợ chồng bà Tân (bên A) và ông Lộc (bên B) đã nêu rõ phạm vi ủy quyền như sau: “Bên B được quyền thay mặt và nhân danh bên A trông coi, sử dụng, nộp thuế, phí, lệ phí, cập nhật biến động, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (bao gồm cả việc chuyển nhượng),...đối với phần thuộc quyền sử dụng của bên A thuộc hộ bà Nguyễn Thị Tân....”. Do vậy, việc ông Lộc ký kết hợp đồng chuyển nhượng cho bà T. là hoàn toàn hợp pháp. Từ đó, ở cấp sơ thẩm, TAND Quận 9 tuyên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là ông Tiêu Sinh về việc yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng sổ đỏ; chấp nhận yêu cầu độc lập của bà T.; đồng thời hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với mảnh đất.