Toàn cảnh khu đô thị lấn biển Cần Giờ trước khi chính thức khởi công xây dựng, dự kiến ngày 23/9/2020. Cần Giờ có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn. Ở đây có rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới, gắn với những chiến công huyền thoại của đặc công rừng Sác. Gắn với rừng là hệ thống sông cùng kênh rạch chằng chịt và hoang sơ. Biển có dạng một vịnh có nước sâu, nằm trong vùng ít bão và không thuộc vùng dưới mực nước biển khi xảy ra kịch bản xấu nhất của nước biển dâng. Với những lợi thế đó có thể tổ chức du lịch biển chất lượng cao nếu khắc phục được vùng nước nông lẫn phù sa ven bờ.
Từ năm 2000, lãnh đạo thành phố đã nhìn thấy tiềm năng du lịch của Cần Giờ và giao cho một đơn vị thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị du lịch. Theo thông tin mới nhất, Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ vừa có văn bản gửi UBND TP HCM và nhiều đơn vị liên quan thông báo về thời điểm khởi công siêu dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Theo đó, đơn vị này dự kiến ngày 23/9/2020 tới đây sẽ chính thức khởi công dự án sau hơn 10 năm “ngủ yên”. Dự án Cần Giờ nay đã được Thủ tướng chính thức thông qua. Việc đánh giá tác động xã hội và đánh giá tác động môi trường ở mức độ nghiên cứu tiền khả thi cũng đã hoàn thành.
Toàn cảnh hạ tầng giao thông huyện Cần Giờ ngày nay
Quyết định Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 12/6 với mục tiêu xây dựng Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ khách sạn.
Dự án tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ do Công ty Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 32,500 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư), còn lại là vốn vay thương mại. Thời hạn thực hiện dự án lên đến 50 năm (đến năm 2070 với phần mở rộng quy mô, và đến năm 2057 với phần diện tích lấn biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư từ năm 2007).
Quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án. Tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn,...
Trước đó, từ năm 2004, UBND thành phố đã quyết định giao Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư Dự án lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ. Đến năm 2007, chủ đầu tư khởi công dự án trên diện tích 600 ha theo quyết định giao đất nhưng dự án bị đình trệ do chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính.
Đến giữa năm 2015, thành phố đồng ý cho một tập đoàn tư nhân tham gia làm đối tác chiến lược để dự án được tiếp tục thực hiện. Do tổng vốn đầu tư dự án lớn hơn 5,000 tỷ đồng và có hạng mục xây dựng, kinh doanh sân golf nên thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thuộc Thủ tướng.
Các chuyên gia lo ngại rằng, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ là “không phù hợp” và phải được đánh giá tác động môi trường chặt chẽ, kể cả môi trường thiên nhiên, những hệ sinh thái của các chủng loài và môi trường xã hội, trước mắt cũng như lâu dài trong tầm nhìn ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Cận cảnh khu đất siêu dự án lấn biển Cần Giờ
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp và Đồng Tranh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71,300 ha, trong đó có trên 70% diện tích là rừng ngập mặn và sông rạch. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú phát triển các loại hình du lịch sinh thái biển, rừng, sông,....
Ngoài ra, Cần Giờ còn sở hữu nhiều làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa đặc sắc, thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa – tín ngưỡng. Định hướng của TP.HCM đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ, xây dựng và phát triển khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế tại đây. Thành phố mong Cần Giờ có thể góp phần tạo sự tăng trưởng kinh tế nhưng phải giữ được những lợi thế về tự nhiên và văn hóa ở đây.